Nên Ăn Yaourt Vào Lúc Nào Trong Ngày Là Tốt Nhất?

Photo of author

By Luu Yến

Yaourt là một loại thực phẩm vô cùng quen thuộc với chúng ta, không chỉ bổ sung dinh dưỡng mà còn tạo thêm nhiều vi khuẩn có lợi giúp đường ruột của chúng ta hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, ở từng thời điểm, khả năng hấp thụ dinh dưỡng có trong yaourt sẽ không giống nhau. Vậy nên ăn yaourt vào lúc nào trong ngày là tốt nhất? Hãy cũng naototnhat.com tìm hiểu qua bài viết này nhé.

Yaourt có các thành phần dinh dưỡng nào?

Tất cả chúng ta đều biết rằng trong yaourt có chứa rất nhiều lợi khuẩn hay còn được biết đến với cái tên probiotic sau khi trải qua quá trình lên men. Những lợi khuẩn này sẽ giúp cho cơ thể con người tăng khả năng miễn dịch với những vi khuẩn có hại cùng các tác nhân gây bệnh khác. Thêm nữa, probiotic còn giúp giảm bớt lượng cholesterol trong cơ thể, tổng hợp thêm các loại vitamin như B6, B12, K hay folate…, hỗ trợ đường ruột, chống các chứng tiêu chảy, táo bón và tiêu hóa lactose được tốt hơn.

Nhưng trên thực tế,yaourt còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng khác mà bạn có thể chưa biết như:

  • Khoáng chất và vitamin: với loại vi khuẩn lên men khác nhau sẽ có các loại yaourt khác nhau, vì thế mà giá trị dinh dưỡng của chúng cũng có sự khác biệt. Nhưng nhìn chung, hầu hết các loại yaourt được làm từ sữa tươi nguyên chất thì thường giàu vitamin B12, canxi, phốt pho và riboflavin.
  • Carb: đây là một dạng đường đơn có trong loại yaourt trắng. Thông thường, trong yaourt sẽ có lactose và galactose nhưng so với sữa tươi thì lượng lactose ít hơn nhiều. Lý do gây nên điều này là quá trình phá vỡ lactose và tạo thành galactose với glucose. Hơn nữa, một lượng lớn lactose sẽ chuyển thành axit citric để tạo độ chua cho yaourt. Vì vậy, để yaourt có vị ngọt, nhà sản xuất sẽ phải dùng thêm một số loại đường bên ngoài khác.
  • Chất béo chuyển hóa: chất béo này không phải loại chất béo có hại hay chất béo thực vật mà nó có từ quá trình chuyển hóa từ sữa của động vật nhai lại. Và trên hết, loại chất béo này vô cùng có lợi vì nó có chứa axit vaccenic, axit linoleic liên hợp CLA. Tuy vậy, việc bổ sung các dinh dưỡng này chỉ nên ở mức vừa phải. Nếu không, quá trình trao đổi chất của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng.
  • Chất béo: tùy từng loại sữa làm nên yaourt, hàm lượng chất béo có thể nhiều hoặc ít. Với yaourt không béo thì lượng chất béo sẽ từ 0,4% còn yaourt nhiều béo thì sẽ đạt mức tối thiểu là 3,3%. Yaourt thường có nhiều chất béo bão hòa cùng lượng nhỏ chất béo bão hòa đơn và rất nhiều rất nhiều loại axit béo khác nhau (khoảng 400 loại).
  • Whey protein: thuộc nhóm protein nhỏ chứa nhiều axit mạch nhánh (valine, leucin, isoleucine) giúp tăng cường dinh dưỡng cho những ai thường xuyên tập luyện thể hình hay các vận động viên. Không chỉ thế, whey protein trong yaourt còn có tác dụng người thừa cân, béo phì giảm được cân hay người bị huyết áp cao có thể hạ huyết áp.
  • Casein: casein là một dạng protein giúp cho lượng canxi và phốt pho được hấp thu tốt hơn và hạ được huyết áp.
  • Protein: yaourt là loại thực phẩm chứa nhiều protein. Với yaourt trắng, lượng protein sẽ vào khoảng 8,5g nhưng với yaourt thương mại thì hàm lượng này sẽ cao hơn. Có hai loại protein trong yaourt là protein có thể tan whey protein và protein không thể tan casein. Nhưng cả hai đều có điểm chung là chứa nhiều amino axit quan trọng, giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động thuận lợi.

Yaourt có công dụng gì?

So với các loại sữa tươi thông thường, không lên men, yaourt là nguồn thực phẩm bổ dưỡng và rất có lợi cho sức khỏe. Bởi số vi khuẩn có lợi trong yaourt có thể giúp:

Tiêu hóa

Khi bạn ăn yaourt đều đặn, các chứng tiêu chảy có thể được chữa trị hiệu quả vì các vi khuẩn có ích trong yaourt sẽ tạo điều kiện để hệ thực vật đường ruột được cân bằng trở lại. Bên cạnh đó, hội chứng ruột kích thích hay chứng táo bón đều có thể hạn chế dần khi có sự kết hợp giữa vi khuẩn có lợi từ yaourt và vi khuẩn bifido. Khả năng tiêu hóa lactose cũng sẽ được cải thiện và hiệu quả hơn nhờ vào lượng lợi khuẩn.

Xương

Xương của con người dễ gặp phải nhiều vấn đề, nhất là khi về già. Lúc này, các triệu chứng của loãng xương, gãy xương, xương yếu dần đi càng thể hiện rõ rệt. Và để khắc phục, chúng ta thường sẽ nạp thêm sữa mỗi ngày để cung cấp canxi.

Không chỉ có sữa pha, sữa hộp mới có canxi mà bản thân yaourt cũng có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này. Vì trong yaourt có chứa rất nhiều protein và canxi nên các bệnh về loãng xương sẽ được ngăn chặn hiệu quả, mật độ xương sẽ có thể tăng lên đáng kể.

Huyết áp

Nguyên nhân gây nên bệnh tim mạch phần lớn là từ việc tăng huyết áp không kiểm soát. Do đó, muốn hạ được mức huyết áp cao này, bạn phải ăn thêm yaourt hoặc uống những loại sữa khác, các sản phẩm được làm từ sữa.

Các thời điểm thích hợp để ăn yaourt

Để số lợi khuẩn bên trong yaourt hỗ trợ tốt nhất cho cơ thể, bạn cần chú ý đến 3 thời điểm quan trọng sau:

Cách 1 đến 2 tiếng sau khi dùng bữa xong

Với mỗi thời điểm khác nhau, lượng vi khuẩn có ích mà cơ thể có thể hấp thụ sẽ không giống nhau. Nếu bạn để bụng đói mới dùng yaourt thì số lợi khuẩn sẽ còn rất ít do lượng axit trong dạ dày lúc này đang ở mức cao có thể tiêu diệt các vi khuẩn có lợi. Vì thế, việc bạn ăn vào cũng chỉ như “muối bỏ bể”, không mang tới được công dụng hiệu quả nào.

Mặt khác, nếu bạn dùng yaourt khi quá no thì bạn có thể có được nhiều lợi khuẩn hơn nhưng đồng thời nó cũng mang đến cho bạn một vấn đề nan giải khác. Đó là hiện tượng tăng cân. Bởi trong yaourt vốn dĩ chứa nhiều hàm lượng bổ dưỡng, nhiệt lượng cao nên khi đã ăn no cộng với lượng yaourt vào cơ thể sẽ làm bạn nhanh chóng bị béo phì, thừa cân.

Vì những lý do này mà bạn chỉ nên dùng yaourt khi đã dùng xong bữa được 1 hay 2 tiếng. Lúc này, bạn không những đã xuôi bớt lượng thức ăn trước đó mà nồng độ axit trong dạ dày cũng chưa tăng quá cao, độ pH ở mức độ phù hợp để phát triển lợi khuẩn một cách tối ưu nhất.

Nên ăn yaourt vào lúc nào trong ngày là tốt nhất?

Dùng yaourt cho các bữa xế chiều

Trong yaourt có chứa lượng lớn vitamin B vừa giúp tăng khả năng đề kháng vừa giảm thiểu những tác động bức xạ từ các thiết bị điện tử lên cơ thể. Vì vậy, những ai thường có thói quen xem điện thoại, tivi lâu hay có tính chất công việc là ngồi trước máy tính trong nhiều giờ liên tục sẽ cần tới nguồn dinh dưỡng trong yaourt này.

Không chỉ vậy, các cảm giác căng thẳng, mệt mỏi sau quá trình làm việc, hoạt động sẽ được đánh bay nhờ khả năng xoa dịu và tiếp thêm năng lượng của thành phần Tyrosine. Do đó, bạn sẽ luôn cảm thấy khỏe mạnh và tỉnh táo để làm việc tiếp.

Dùng yaourt sau bữa tối

Bên cạnh việc hỗ trợ đường ruột, cung cấp năng lượng, trong yaourt còn có một thành phần quan trọng khác, chính là canxi. Dù là trải qua quá trình lên men nhưng hàm lượng canxi của yaourt không hề bị sụt giảm nên khi bạn ăn yaourt, bạn vẫn có đầy đủ lượng dinh dưỡng cần thiết cho xương. Hơn nữa, trong yaourt còn có axit lactic nên cơ thể bạn sẽ không gặp trở ngại trong việc hấp thu canxi.

Và khoảng thời gian chúng ta đi ngủ là lúc hấp thu canxi tốt nhất vì có ít sự xuất hiện của các nhân tố cản trở nên trước khi đi ngủ chừng 1 hoặc 2 tiếng, bạn có thể ăn yaourt. Không chỉ giúp xương chắc khỏe mà còn hỗ trợ tăng chiều cao.

Mỗi ngày có thể ăn yaourt bao nhiêu lần?

Tuy yaourt là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và rất có lợi với cơ thể con người nhưng việc dùng quá nhiều có thể gây tác dụng ngược và làm ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì vậy, mỗi ngày bạn chỉ nên dùng vừa đủ để cơ thể không bị dư thừa chất. Trong trường hợp là các bé nhỏ từ 1 tuổi cho đến 3 tuổi thì có thể ăn nửa hộp yaourt. Đến khi bé lớn hơn, tầm 3 tuổi trở lên thì có ăn nguyên 1 hộp 1 ngày.

Và cha mẹ cũng cần chú ý không cho bé sơ sinh và bé chưa đủ 1 tuổi ăn thực phẩm này vì nó có thể gây tổn hại cho hệ tiêu hóa còn non nớt của bé. Còn với người trưởng thành như chúng ta thì có thể ăn nhiều hơn vì lúc này cơ thể đã hoàn toàn cứng cáp. Mỗi ngày bạn có thể dùng 2 hộp ăn làm hai lần.

Ăn yaourt lúc đói bụng có ảnh hưởng gì không?

Khi cơ thể bị thiếu hụt năng lượng, yaourt là một trong những món ăn được nhiều người chọn để bù đắp lại phần năng lượng đã mất trước đó. Tuy nhiên, việc ăn vào lúc đang đói thật sự là phản tác dụng bởi lúc này lượng axit có trong dạ dày đang ở mức cao nên có thể tiêu diệt các vi khuẩn có lợi bên trong yaourt. Khi đó, cơ thể bạn sẽ không nạp được nhiều lợi khuẩn tốt cho cơ thể dù điều này không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

Nên dùng yaourt trước khi ăn hay sau khi ăn là tốt nhất?

Trước bữa ăn thường là lúc chúng ta cảm thấy đói nhất nên nếu ăn yaourt vào lúc này, vi khuẩn có lợi sẽ bị axit dạ dày làm cho biến mất, công dụng vốn có của yaourt cũng vì thế mà không còn. Cho nên, yaourt nên được ăn sau khi ăn nhưng phải là cách bữa ăn trước đó tầm 1 đến 2 tiếng khi dịch vị đã trung hòa và nồng độ axit đang ở mức khá thấp. Nếu bạn ăn ngay sau khi dùng bữa thì bạn có thể dễ bị tăng cân không mong muốn.

Những thông tin nên ăn yaourt vào lúc nào trong ngày là tốt nhất này sẽ giúp bạn nắm được thời điểm ăn trong ngày, lượng yaourt tối đa có thể ăn một cách thật hiệu quả. Từ đó, bạn sẽ không lo bị thừa cân béo phì mà vẫn có đủ năng lượng, dinh dưỡng làm đẹp cho cơ thể.

Tham khảo thêm: